Trong bài này, bạn sẽ biết thêm về một phương pháp được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh. benchmarking – hay còn gọi là so sánh giữa mình và đối thủ cạnh tranh để học từ họ.

“Phương pháp so sánh đối thủ cạnh tranh” (benchmarking) là phương thức so sánh tình hình hoạt động hoặc sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh dựa trên những tiêu chí đã được định sẵn. Mục tiêu là để đánh giá quá trình hoạt động của một doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhằm học hỏi kinh nghiệm, cải tiến các hoạt động và quá trình kinh doanhcũng như xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành.

Benchmarking là một công đoạn bạn sẽ xác định trang web nào có cùng chung nhóm người đọc với bạn phát triển rất mạnh mẽ và thành công, họ có điểm gì nổi bật và có những tiêu chuẩn gì. Ví dụ trang web của bạn về tin tức, thì Vnexpress.net nên là đối tượng để bạn so sánh và học hỏi từ họ.

  • Khi bạn thăm trang vnexpress.net bạn ấn tượng điều gì nhất?
  • Tốc độ đưa tin của họ?
  • Thiết kế giao diện của họ?
  • Tốc độ truy cập của họ?
  • v.v..

Một khi bạn đã xác định được đối tượng để so sánh, bạn sẽ phải tìm cho được bí quyết thanh công của họ là gì? và bạn cần phải làm gì để được thành công như họ.

So sánh và học từ đối thủ cạnh tranh

Tại sao bạn cần phải so sánh mình và đối thủ

Dù phân tích và so sánh đối thủ cạnh tranh là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển website, tuy nhiên rất nhiều người lại tiến hành quá trình phân tích và so sánh này một cách thiếu hệ thống. Thay vì vậy, họ vận hành dựa trên cái gọi là “ấn tượng, phỏng đoán, và trực giác thu thập được từ những mẩu tin nhỏ về đối thủ cạnh tranh mà mỗi trưởng phòng hay nhận được”. Kết quả là những phương pháp thu thập thông tin truyền thống này đặt nhiều trang web vào những điểm mù nguy hiểm trong cạnh tranh do thiếu một hệ thống phân tích cạnh tranh triệt để.

Nếu bạn chỉ tập trung vào nội dung trang web của riêng bạn và không quan tâm đến những trang web có cùng chung mục đích thì bạn đã bỏ phí cơ hội để học hỏi.

Ví dụ có ai hỏi bạn là một trang web được gọi là thành công thì phải có:

  • PageRank là bao nhiêu?
  • Alexa rank là bao nhiêu?
  • Nằm ở trang nào của kết quả tìm kiếm?

Nếu bạn không biết được tiêu chuẩn của thị phần mình đang đứng, bạn khó có thể thành công được. Nếu trang web của họ có PageRank là 6/10 mà của bạn chỉ có 2/10 thì rõ ràng người ta phải làm một cái gì đó hơn bạn rồi.

Lí do tại sao chúng ta cần so sánh đối thủ rất đơn giản. Nguồn kiến thức vượt trội về đối thủ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn, điều này khiến cho kiến thức về đối thủ trở thành một thành phần thiết yếu trong chiến lược phát triển trang web.

Rõ ràng, những website áp dụng phương pháp so sánh đối thủ cạnh tranh (benchmarking) sẽ tạo ra một lợi thế rât lớn. Chính vì vậy, khả năng so sánh và định hình đối thủ một cách toàn diện nhất sẽ trở thành một năng lực cốt lõi để thành công trong phát triển web. Điều này có thể so sánh như bạn biết trước đối thủ sẽ đi bước nào kế tiếp trong ván cờ. Bằng cách đi trước đối thủ một bước, cơ hội chiếu tướng sẽ càng cao. Cũng như trong chơi cờ, chiến lược tấn công tốt sẽ là chiến lược phòng thủ tốt nhất.

Bạn cần phải so sánh những tiêu chí gì

Để so sánh mình với đối thủ cạnh tranh để học từ họ, bạn phải xem xét kỹ đối thủ của mình. Lấy ví dụ có một trang web về truyện Audio rất thành công và bạn cũng đang có một trang web tương tự. Lẽ dĩ nhiên khi so sánh bạn sẽ so sánh những tiêu chí như:

  • Số lượng truyện họ có.
  • Chất lượng truyện của họ.
  • Hạng mục của họ có đa dạng không.
  • Giao diện và CMS của họ có thân thiện không.
  • Nguồn truyện của họ lấy từ đâu.
  • Tốc độ đường truyền khi download truyện của họ như thế nào.

Kết luận

Dù là trong lĩnh vực kinh doanh hay tư vấn thiết kế website, thì việc so sánh và học những cái hay từ đối thủ là rất quan trọng. Tất nhiên chúng ta sẽ không đi học lỏm những gì họ đang áp dụng mà mang về áp dụng một cách khô cứng vào trang web của ta. Chúng ta cũng phải chọn lọc xem cái gì phù hợp, cái gì họ tốt và cái gì mình vẫn còn yếu. Học kinh nghiệm của những người đi trước và giỏi hơn ta cũng là một chìa khoá để dẫn đến thành công. Nó giúp bạn tránh được nhiều rủi ro và tìm ra con đường thành công nhanh hơn và dễ dàng hơn.